Hành Trình Từ Trái Đất Đến Mặt Trăng - Jules Verne

HÀNH TRÌNH TỪ TRÁI ĐẤT ĐẾN MẶT TRĂNG
Tác giả Jules Verne
Ngôn ngữ Tiếng Việt
Lĩnh vực Văn học nước ngoài
Năm xuất bản 2006
Đơn vị xuất bản Văn hóa thông tin



Nếu xét chỉ về góc độ hài hước thì trong các tiểu thuyết của Jules Verne tôi đã đọc, cuốn này là hay nhất. Lối bông đùa rất duyên dáng, nhân vật theo kiểu thái-quá rất sắc nét, tình huống truyện và cách nói ngoa dụ rất thú vị nhưng không phải là không có ý nghĩa. Bạn sẽ không thể nhịn cười trước cách đùa tỉnh như không trong cuốn sách này.

Câu chuyện nói về câu lạc bộ Đại Bác, một hội bác ái quy tụ toàn những tay làm súng và pháo thủ đệ nhất trong cuộc chiến liên bang Mỹ, rơi vào “cảnh nhàn cư quá nhàm chán” khi hòa bình lập lại. Babican, chủ tịch câu lạc bộ, đã đề xuất một dự án táo bạo là chế một khẩu thần công phóng một viên đạn đến tận Mặt Trăng. Thật là một ước mơ táo bạo, của Babican và trên hết là của Verne, trong một thời đại mà phần lớn người ta vẫn chỉ cúi gằm nhìn mặt đất dưới chân.

Những tính toán của Verne trong tiểu thuyết bị hạn chế của khoa học thời ông chi phối, nhưng vẫn tỏ ra chính xác nhiều điểm. Jules Verne đã nhìn ra bản chất thợ máy tài ba, bản chất dám nghĩ dám làm của những người Yankee, và phải chăng đây là một dự đoán tài hoa nữa, khi ta nhớ lại cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật lần thứ hai trong lịch sử nhân loại đã bắt nguồn từđất nước của những tay thợ máy bẩm sinh này?

Điều khiến tôi thấm thía nhất trong cuốn sách này là Hòa bình. Phải, Hòa bình từ một câu lạc bộ quy tụ những thiên thần giết chóc, một câu lạc bộ mà mục tiêu tồn tại duy nhất của nó là “tàn sát nhân loại bởi tấm lòng bác ái, là hoàn thiện những khí cụ chiến tranh được coi như phương tiện của văn minh!” Babican và Nicôn, người chế đại bác và người chế thiết giáp, đã dẹp bỏ mọi mâu thuẫn của mình để cùng bay lên mặt trăng với Misen Acdang, chẳng phải là thế hay sao? Chẳng phải xạ thuật, môn khoa học gắn liền với chiến tranh và giết chóc đấy đã được áp dụng vào việc chế tạo ra một thứ làm vinh danh cho khoa học và nhân loại đấy sao? Chẳng phải cuộc đúc khẩu thần công Columbiat và mọi điều liên quan đến nó đã cuốn hút mọi dân tộc trên thế giới đấy sao?

Phải, khoa học chỉ có ý nghĩa khi nó phụng sự nhân loại, vì sự tiến bộ của con người. Jules Verne đã mơ đến một ngày mai mà những xung đột của con người sẽ đuợc xếp lại nhân danh sự tiến bộ của nhân loại. Và những khẩu đại bác của tương lai sẽ vang lên vì hòa bình và tiến bộ chứ không phải là giết chóc đau thương.

Đó là giấc mơ lớn nhất xuyên suốt sáng tác của Verne, con người đã được mệnh danh là Người viết nên tương lai.

Ngày mai ấy sao mà xa quá, đúng không, bạn thân yêu ơi?...

Đọc các sách của Jules Verne

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam - Trần Quốc Vượng

Tổng hợp Ebooks và Audiobooks từ A - Z link mediafire

Download "Game Cashflow" phiên bản 101 & 202 Free