Thế Hệ Ngày Mai - Nguyễn Hiến Lê

Thế Hệ Ngày Mai - Một phương - pháp giáo dục mới.

"Thay đổi nguyên tắc giáo dục đi, bạn sẽ thay đổi thế giới" - Leibnitz.

Nguyễn Hiến Lê (1912–1984) là một nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập, với 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế,...

Cách đây 34 năm, sáng mùng 7 tết, trời u ám và lành lạnh, ba tôi sắp sửa cặp sách cho tôi rồi thuê một chiếc xe kéo bánh sắt để đưa tôi tới trường.

Những đôi câu đối tết của dãy nhà trên phố hàng Nâu còn nguyên vẹn, đỏ rực rỡ, anh ánh nét mực; rặng bàng bên đường trơ trụi xòe nhánh khô đen như xương những lọng mà giấy, vải đã rách hết. Hai tay ôm cặp da, tôi ngó bờ đê, nghe tiếng xe lọc cọc lòng nửa lo nửa buồn.

Tới trường Yên Phụ - một trường đẹp nhất trên đất Việt, nằm bên bờ sông lịch sử là sông Nhị và bên một mặt hồ cũng lịch sử là hồ Trúc Bạch - ba tôi xin cho tôi vào lớp năm[1].

Khi rời tay ba tôi để theo bạn vào lớp, tôi rưng rưng nước mắt. Ba tôi dỗ:

- Vào đi chóng ngoan, cậu ngồi ngoài sân đợi con.

Suốt một giờ rưỡi đồng hồ, tôi không học được gì, chỉ thỉnh thoảng lấm lét ngó ra sân tìm ba tôi và mong cho mau ra chơi.

Nghe tiếng trống đánh, tôi hồi hộp đứng lên bước ra tới sân thì đã thấy ba đương đứng ở một gốc nhãn đợi tôi. Ba tôi xoa đầu tôi, hỏi nhiều câu mà không cho tôi kịp đáp:

- Thày có dễ không? Có hỏi gì con không? Con học được những gì? Bạn ngồi bên cạnh con ra sao?

Hết giờ chơi, tôi vào lớp, lần này ít buồn hơn và khi tan học, sắp hàng ra tới cửa thì vẫn thấy ba tôi đứng ở gốc nhãn lúc nãy. Tôi hỏi người:

- Cậu đợi con như vậy có lâu không?

Người mỉm cười nhìn tôi mà không đáp, sự im lặng ấy thấm thía biết bao! Rồi chúng tôi lại ngồi một chiếc xe kéo lọc cọc để về nhà.

Đó là buổi học đầu tiên của tôi. Mỗi lần tới ngày tựu trường, thấy các em nhỏ cắp sách đi ngang qua nhà, tôi lại nghĩ đến buổi ấy và lần nào lòng tôi cũng rung động, thổn thức, bâng khuâng.

Hai mươi lăm năm sau, một buổi sáng tháng tám, trời trong trẻo và mát mẻ, nhà tôi và tôi dắt cháu[2] tới trường Bà Phước ở Tân Định, một trường cất theo lối mới, nằm dưới bóng một hàng sao vun vút đưa lên một nền trời xanh dịu. Cháu đi giữa, mỗi đứa chúng tôi nắm một tay, còn cặp sách thì tôi cầm.

Tới trường thì cảnh hai mươi năm trước lại tái diễn, chỉ khác là cháu òa lên khóc khi rời tay chúng tôi bước vào lớp. Lúc ấy chúng tôi thấy mằn mặn ở cuống họng. Đến giờ ra chơi chúng tôi đứng đợi cháu ở góc sân; đến giờ về cũng đợi cháu ở ngoài cửa, rồi cháu cũng lại hỏi:

- Ba má đợi con có lâu không?

Chúng tôi cũng lại hỏi:

- Ngồi trong lớp con có ngoan không? Bà Phước có hỏi gì con không? Có dặn con gì không? Con có mong tới giờ về không?

Thưa các bạn, nhiều bạn đã trải qua ít nhất một lần cảnh như vậy, chắc nhận rằng không cảnh nào buồn hơn, thấm thía hơn nữa. Vì suốt đời ta, chỉ có những lúc ấy là chúng ta đem con chúng ta cho một người lạ để nhờ uốn nắn, giáo hóa. Phải có một lòng tin người mãnh liệt hoặc lòng thờ ơ đáng tội với tổ tiên và nòi giống mới có thể đem thịt của thịt chúng ta, máu của máu chúng ta giao cho người như vậy được. Và chắc có nhiều bạn, sau khi đưa con tới trường đầu tiên, về nhà tự hỏi: “Không biết việc ta làm đó là phải hay trái? Người lãnh con ta có đáng tin không? Phương pháp giáo dục có đáng tin không?”.

Tôi viết cuốn này để tặng những bạn thắc mắc ấy. Dù chưa biết các bạn, tôi cũng đã quý các bạn rồi, vì các bạn là những người cha kiểu mẫu, biết lo lắng đến sự học của con em, tức là đến cái thế hệ ngày mai của giống Việt.

Tôi cũng viết cuốn này để tặng các nhà giáo đã rung động lòng khi nghe một bé òa lên khóc khi lần đầu tiên bước chân vào lớp học, đã nhận thấy một lớp dù sạch sẽ, sáng sủa, trang hoàng tới đâu đi nữa thì đối với những em 5, 6 tuổi cũng chỉ là những trại giam với những vị giám thị nghiêm khắc.

Những khi chắp tay sau lưng, đi đi lại lại trong lớp, thấy hàng chục đầu cặp mắt long lanh nhìn mình, hàng chục đầu xanh cúi trên giấy trắng, các vị ấy đã thấy được lòng tin vô biên của những tâm hồn ngây thơ ấy và của phụ huynh các em nữa. Ở trên đời này có lòng tin nào thâm thúy và trong sạch hơn lòng tin ông thầy của các bé không? Lòng tin trời phật của người lớn chúng ta vị tất bằng. Thầy giáo đối với em nhỏ là một vị thần bằng xương bằng thịt, cho nên các em nghe lời thầy hơn cha mẹ nhiều khi mến thầy hơn cha mẹ, những đầu xanh đó, ta muốn nắn sao thì nắn, muốn nhồi gì vào thì nhồi, muốn hướng nó về đâu cũng được mà có bao giờ ta tự hỏi lời dạy của ta thiệt đúng chưa, phương pháp của ta hoàn toàn chưa? Có bao giờ ta nghĩ các em nhỏ ấy, trong 20-30 năm nữa sẽ thay ta để nắm vận mạng của quốc gia không? Tâm hồn các em trong sạch đầu óc các em sáng suốt thì tổ quốc sẽ được nhờ, nếu không thì cả nòi giống sẽ lụn bại để đợi lúc bị tiêu diệt. Có bao giờ chúng ta ngộp trước nhiệm vụ như quá sức chúng ta đó không?

Sau cùng tôi cũng viết cuốn sách này để tặng những bạn tuy không có con cái, không có học trò, nhưng yêu em bé nồng nàn, trông thấy cả một trời trong trẻo trong cặp mắt đen láy của các em, thấy cả một mùa xuân rực rỡ trên cặp môi hồng và hàm răng trắng ngà của các em. Chỉ nghe một tiếng cười giòn giã của các em là ta quên hết những thăng trầm trong thế sự, những bỉ ổi của lợi danh, phải không các bạn? Vừng trán nhẵn bóng dưới mớ tóc tơ kia chứa biết bao hình ảnh tươi sáng, biết bao ý tưởng trong sạch! Người ta nói thiên thần chỉ lơ lửng đâu trên chín tầng mây có trăng gió gió hoặc thiên thần trong cảnh đào nguyên có liễu có oanh. Không! Thiên thần ở ngay cõi trần này, đương say ngủ trong những chiếc nôi xinh xinh hoặc chập chững bên những bà mẹ hiền hậu. Ta đừng vì dại dột hoặc biếng nhác mà uốn nắn thiên thần đó theo những quy tắc vô lý để thành những con người ngu xuẩn, bạc ác, tham lam, bạo tàn.

Tôi xin những bạn ấy hãy lật những trang trong cuốn sách nhỏ này. Còn những bạn nào nhìn em bé vẽ nguệch ngoạc trên tờ giấy mà không mỉm cười, trông má phúng phính của em bé mà không muốn nựng thì xin đừng đọc tới. Những loại sách khác sẽ hợp với các bạn hơn vì cuốn này không phải để tiêu khiển mà bàn đến một phương pháp giáo dục mới.

Chúng tôi xin thưa ngay: Phương pháp mới của Âu, Mỹ, chúng tôi không có sáng kiến gì cả. Chỉ vì lòng yêu trẻ mà tò mò đọc được ít sách trong cái rừng sách bàn về Tâm lý trẻ em và Tân Học đường (L’École nouvelle) của nước người[3].

Tôi nói một cái rừng không phải là ngoa: chỉ trong khoảng 10 năm, từ 1925 đến 1935, ở riêng một tỉnh Genève (Thụy Sĩ) đã xuất bản trên 300 cuốn về Tân Học Đường. Các bạn đã thấy ngộp chưa?

Chúng tôi cũng không phải là nhà giáo dục chuyên môn, chẳng qua vì thời cuộc đưa đẩy, tạm làm nghề gõ đầu trẻ trong ít năm nay. Chỗ hiểu biết tất nhiên là thô thiển, còn mong bạn nghĩ đến lòng thành của chúng tôi mà rộng lượng cho đấy thôi.

Đọc hết cuốn này chắc có bạn nghĩ rằng trong tình cảnh hiện tại không thể làm gì được, vì tiền không có mà người cũng thiếu. Có biết bao người mù chữ mà không đủ lớp để dạy. Lớp học nào cũng 50 trò trở nên, có khi lên 70 trò. Như vậy mà bàn đến mới đã tốn công lại tốn tiền thì có khác gì nói để mà chơi không, chỉ tốn giấy mực chứ ích gì.

Bạn nghĩ vậy cũng phải. Hoàn cảnh chưa thuận tiện thì chúng ta dành uốn mình theo hoàn cảnh vậy Nhưng chúng ta vẫn có thể chờ đợi, hi vọng và trong khi chờ đợi, hy vọng, không biết làm gì thì ta vẫn có thể sửa soạn trước, dự tính một tương lai tươi sáng sủa hơn cho thế hệ ngày mai chứ, để cho tới lúc hoàn cảnh trở lại thuận tiện thì ta có thể đồng hô lên rằng:

Sẵn sàng cả rồi. Bắt tay vào việc thôi.

Nước đương ròng, nhưng nước tất sẽ lớn; gió đương ngược nhưng rồi gió cũng phải xuôi. Mở đỏi và giương buồm trước đi các bạn, để đưa em bé - tức thế hệ ngày mai - tới một bến rực rỡ hơn cái bến chúng ta đương đậu, hỡi các bạn yêu em bé!

Long Xuyên, trong vụ nghỉ hè 1952
Nguyễn Hiến Lê

[1] Tức lớp Một ngày nay, nhưng trong Hồi kí (Nxb Văn học, năm 1993, trang 39), cụ Nguyễn Hiến Lê lại bảo là lớp Dự bị (Cours préparatoire), tức lớp Hai ngày nay.

[2] Tức Nguyễn Nhật Đức.

[3] Trên trang đã dẫn, không chép lại chú thích (1).

Download ebook:



Xem hướng dẫn download tại đây


P.S.: Tất cả các Ebook và Audiobook post ở TSCB đều có tải về máy cả. Nếu có links nào bị hỏng, các bạn làm ơn thông báo cho chúng tôi biết, chúng tôi sẽ upload links mới post lên lại. Nhớ like Facebook ủng hộ chúng tôi nhé. Thanks các bạn nhiều nha.


MUA SÁCH GIẤY


Hotline: 0967 841 705 (Zalo và Viber)
Email: noluckhongngung@gmail.com

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam - Trần Quốc Vượng

Tổng hợp Ebooks và Audiobooks từ A - Z link mediafire

Download "Game Cashflow" phiên bản 101 & 202 Free